Sản xuất từ nhỏ đến lớn đều giảm lao động
Bà T.T.Sương là chủ xưởng may nhỏ chuyên hàng thời trang tuổi trung niên tại P.15,ìsaodoanhnghiệpthànhlậpnhiềunhưngsathảilaođộngtăket qua u20 chau a Q.Tân Bình (TP.HCM) và có 2 sạp quần áo sỉ tại chợ Tân Bình gần 20 năm qua. Sau 2 năm đại dịch bùng phát, việc buôn bán trong chợ gần như đóng băng. Cuối năm 2022, bà buộc phải đóng cửa 2 quầy sạp tại chợ Tân Bình, về chợ An Đông (Q.5) thuê 2 sạp để kinh doanh tiếp.
Bà Sương tâm sự: "Không ngồi chờ khách đến chợ mua hàng nữa, phải tính đường khác để "nuôi" hơn 20 công nhân đang kiên trì bám trụ với gia đình. Tuy vậy, đến tháng 8 vừa qua, số công nhân kỳ cựu còn lại cũng "rơi rụng" hết, nay chỉ còn một nửa. Số này gắn bó với cơ sở và như con cháu trong nhà, đã lớn tuổi, nay bỏ về quê không biết làm gì nên cơ sở ráng cầm cự để chủ và người làm cơm cháo có nhau. Thu nhập của thợ từ 9 - 11 triệu đồng, nay hàng may giảm mạnh, lương cuối tháng còn 6 - 7 triệu vẫn "dựa" vào nhau và sống. Hết năm nay, nếu việc kinh doanh tại An Đông không phát triển, có thể trả 2 sạp này luôn".
Tương tự, cơ sở may D&T (Q.8, TP.HCM) cho biết xưởng may của gia đình từ hơn 100 công nhân, nay còn 65 người và gia đình đang cố gắng duy trì việc làm để "nuôi" số công nhân này. Bà Thái Vân, quản lý xưởng may, chia sẻ: "Chúng tôi may mắn hơn là làm hàng tự thiết kế, bán ra thị trường nội địa nên cho dù người tiêu dùng trong nước giảm chi tiêu mua sắm, cố gắng mở rộng, tìm kiếm khách hàng, vẫn tiếp tục hoạt động được. Hiện có quá nhiều xưởng may nhỏ chuyên làm hàng gia công cho các công ty xuất khẩu lớn buộc phải đóng cửa ngưng hoạt động. Trước tuyển công nhân khó khăn, nay hầu như ngày nào cũng có người đã có kinh nghiệm 5 - 10 năm, xin vào làm may, ủi, gấp. Thậm chí người có kinh nghiệm cắt, ra hàng - lĩnh vực trước đây kiếm thợ rất khó - cũng đến xin vào làm".
Không chỉ các cơ sở sản xuất nhỏ, tình trạng cắt giảm công nhân với số lượng lớn cũng tiếp tục xảy ra tại nhiều doanh nghiệp (DN). Mới đây, thông tin "ông lớn" ngành dệt may Garmex Sài Gòn từ 4.000 công nhân nay còn vỏn vẹn 35 người lại khiến không ít người chạnh lòng và bất ngờ. Bởi Garmex Sài Gòn vốn là DN có uy tín, thâm niên trong ngành, là đối tác cung cấp hàng thời trang cho nhiều thương hiệu thời trang lớn thế giới. Năm 2021, công ty còn có 233 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Thế nhưng, cơn bão hậu Covid-19 đã đảo ngược tình thế, đơn hàng xuất khẩu của DN giảm khiến doanh số xuất khẩu giảm đến… 93% trong năm 2022. Sau gần 20 năm, lần đầu tiên công ty ghi nhận lỗ hơn 80 tỉ đồng vào cuối năm qua. Thông tin cập nhật đến cuối tháng 9 vừa qua, hàng tồn kho liên quan gia công ước lên đến 100 tỉ đồng.
Không chỉ trong ngành sản xuất, làn sóng cắt giảm số lượng lớn nhân sự vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều DN hoạt động kinh doanh dịch vụ. Công ty CP đầu tư Thế Giới Di Động, trong giai đoạn từ 9.2022 đến 5.2023, đã cắt giảm hơn 12.000 nhân viên. Hay như lĩnh vực bất động sản, nhiều DN cho biết cắt giảm nhân sự từ 30 - 70% nhân viên vì… không có việc gì cho nhân viên làm hoặc DN buộc thu hẹp, tạm ngưng hoạt động.
Làn sóng sa thải chưa kết thúc ?
Trong một báo về xu hướng nhân sự VN giai đoạn nửa đầu năm 2023 của Công ty tư vấn về giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc hạnh phúc Anphabe mới đây cho thấy trong vòng 9 tháng từ tháng 9.2022 - 5.2023, trung bình có 3/10 DN buộc phải cắt giảm nguồn nhân lực với nhiều quy mô khác nhau. Khảo sát cho thấy có khoảng 13% người đi làm tại VN đã và đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc sa thải, tập trung nhiều hơn ở cấp nhân viên và nhất là nhóm còn trong giai đoạn thử việc. Đáng lưu ý, Anphabe dự đoán "làn sóng sa thải" sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Ở cấp quản lý, đến giữa năm nay, ngoài 33% DN đã thực hiện cắt giảm, vẫn có 13% DN cho biết qua khảo sát rằng sẽ tiếp tục cắt giảm trong thời gian tới; 34% quyết định giữ nguyên và chỉ 20% có kế hoạch gia tăng nguồn nhân lực.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết các DN hoạt động sản xuất trong lĩnh vực dệt may, da giày, những ngành sản xuất xuất khẩu lớn của TP.HCM vẫn đối diện nhiều khó khăn cho dù so với đầu năm, đơn hàng đã "rục rịch" tăng trở lại. Khoảng 30% DN thiếu đơn hàng trầm trọng, nguồn tài chính để mở rộng sản xuất, chờ đơn hàng mới cũng teo tóp hết, nên việc phục hồi sản xuất tại một số nơi là tín hiệu đáng mừng nhưng chưa hết lo.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc một công ty chuyên sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở Đồng Nai, nói trường hợp cắt giảm lao động là việc "chẳng đặng đừng" cả về tình và thủ tục khi DN phải tiến hành loạt thủ tục trợ cấp thất nghiệp rất nhiêu khê và… tốn tiền. Thế nhưng cắt giảm nhân sự để hướng đến bộ máy hoạt động sản xuất kinh doanh tinh gọn, tối ưu hóa mọi công đoạn như hình thức tái cấu trúc quản lý, điều hành sau khủng hoảng cũng là hình thức DN đang hướng đến.
Có sự chuyển dịch quan trọng
Trong khi TP.HCM nói riêng và khu vực phía nam nói chung vẫn đang đối diện tình trạng gia tăng sa thải lao động thì trong tháng 10, cả nước có hơn 15.400 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 125.800 tỉ đồng, số lao động đăng ký lên gần 131.600 lao động, tăng 21,7% về số DN, tăng 7,4% về vốn đăng ký và tăng 64,3% về số lao động so với tháng 9. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, số DN đăng ký mới tăng đến 18,5% và số lao động đăng ký cũng tăng hơn 71% về số lao động. Tính chung cả 10 tháng của năm nay, cả nước có 131.800 DN đăng ký thành lập mới, tăng 4,7%; số lao động 880.000 người, tăng 5,4%. Tuy vậy, số vốn trung bình của một DN đăng ký mới trong tháng 10 lại giảm 11,7% và cả trong 10 tháng cũng giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại kinh tế và quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nhận xét việc gia tăng số lượng DN mới lẫn số DN quay lại thị trường tăng cho thấy triển vọng kinh tế lạc quan cuối năm. Còn việc sa thải người lao động có thể do tác động của điều chỉnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu DN theo hướng giảm thiểu số lao động, tăng đầu tư sử dụng các tiến bộ công nghệ, mô hình kinh doanh tinh gọn tối ưu. Đó là tín hiệu tốt cho thấy sự phân công lại lao động giữa các ngành, các vùng đã và đang diễn ra. "Theo quan sát và nghiên cứu của chúng tôi, nhu cầu lao động trình độ cao đang có xu hướng tăng và nhu cầu lao động chưa đủ kỹ năng giảm hơn nhiều. Như vậy, đã có sự dịch chuyển quan trọng trên thị trường lao động", ông Lạng nói và cho rằng trong dài hạn, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế này hoàn toàn phù hợp.
"Việc điều chỉnh cơ cấu lao động sẽ tạo điều kiện điều chỉnh thị trường lao động theo đúng bản chất kinh tế thị trường. Lao động phổ thông bị sa thải nhiều, mất việc, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Song lao động có tay nghề, trong ngành công nghệ cao, dịch vụ chuyên nghiệp mà các thành phố lớn như TP.HCM đang dẫn đầu sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Thế nên, vị thế đầu tàu kinh tế của TP.HCM lại chịu nhiều áp lực hơn, song không vì chuyển dịch đó mà thay đổi. Hơn nữa, đây còn là tín hiệu khẳng định vị thế đầu tàu của TP.HCM giai đoạn mới. Và là tín hiệu lạc quan cho thấy việc điều chỉnh kinh tế và duy trì động thái tăng trưởng cho những tháng cuối năm", ông Lạng phân tích.
Xuất khẩu giảm mạnh do sức mua toàn cầu trong lĩnh vực thời trang nói chung giảm hơn 25% trong năm nay. Nhiều DN buộc phải chuyển hướng kinh doanh, nhưng việc chuyển hướng làm một mặt hàng lúc này không đơn giản. Thế nên, năm nay vẫn là năm khó khăn cho nhiều DN sản xuất nói chung.
ÔngPhạm Xuân Hồng,Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM